Quán Tự Tại Bồ Tát là ai? Ý nghĩa tượng của Ngài
Có rất nhiều danh xưng về các vị Bồ Tát cũng như vị Phật tôn quý trong Phật Giáo, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng biết và hiểu rõ ý nghĩa của từng danh xưng đó. Vậy, bạn có biết Quán Tự Tại Bồ Tát là ai không? Hãy cùng Buddhist Art tìm hiểu về Ngài qua nội dung sau.
Quán Tự Tại Bồ Tát là ai?
Thực ra Quán Tự Tại Bồ Tát chính là Quán Thế Âm Bồ Tát. Chỉ là tùy mỗi nơi và mỗi thời cách dịch khác nhau thôi. Ở thời Tây Tấn, Ngài Trúc Pháp Hộ đã dịch là Quán Thế Âm. Còn ở đời Đường thì Ngài Huyền Trang Pháp sư dịch là Quán Tự Tại.
Nhưng dù là danh xưng nào cũng đều xuất phát từ tiếng Phạn là AVALOKITEŚVARA.AVA, đều có nghĩa là cùng khắp. Khi tách ra từng từ sẽ có nghĩa như sau:
- LOKITE: có thể nhìn thấy được mọi nơi trên cõi đời
- ŚVARA: vị chúa tể – một bậc có quyền để hành xử mọi việc trong cuộc sống một cách tự do.
- AVALOKITESVARA: là vị bồ tát thực hành Trí tuệ Bát Nhã ở một trình độ thâm sâu. quan sát đối tượng Đương Thể Tức Không và không bị một chướng ngại bởi các yếu tố giả hợp, tạo thành cái ảo tưởng của đương thể nên được gọi là Quán Tự Tại.
Ngoài ra, hồng danh Quán Tự Tại Bồ Tát còn được dùng để chỉ các bậc Giác hữu tình đang tu hành pháp môn QUÁN CHIẾU THỰC TẠI để hoàn thành Tuệ giác siêu việt. Hoặc là danh hiệu này dùng để chỉ các vị Bồ Tát ở cảnh Lý Sự Vô Ngại, quán đạt tự tại.
Ý nghĩa của tượng Quán Tự Tại Bồ Tát
Danh hiệu “Quán tự tại” có ý nghĩa là chỉ cần chúng ta chịu khó quán chiếu chính mình, không để thân tâm động trước thất tình lục dục, những cám dỗ của hồng trần thì ngay giờ phút đó bản thân chúng ta đã thành tựu được tự tại rồi.
Quán có nghĩa là chiếu rọi, hay chính là trí tuệ có thể thấu suốt được lẽ có không được mất; tự tại có nghĩa là tự do, chính là giải thoát. Có mười thành tựu tự tại chúng ta có thể đạt được khi hành Lục độ đó là:
- Thọ tự tại: Có thể kéo dài tuổi thọ tùy ý.
- Tâm tự tại: Không nhiễm sinh tử.
- Tài tự tại: Tài của dư dật, muốn là liền được, điều này do tu hạnh bố thí mà được.
- Nghiệp tự tại: Chỉ làm việc thiện và khuyến khích người khác cùng làm.
- Sanh tự tại: Tùy theo chỗ mong muốn mà thọ sanh, điều này do giữ giới mà được.
- Giải thoát tự tại: Có thể tùy ý muốn mà biến hóa, do nhẫn mà được.
- Nguyện tự tại: Muốn gì được nấy, do tinh tiến mà được.
- Thần lực tự tại: Thần thông tối thắng, do định mà được.
- Trí tự tại: Biết tất cả các ngôn ngữ, lời nói.
- Pháp tự tại: Khế kinh, khế lý, khế cơ, do tuệ mà được.
Nếu đạt đến sự tự tại như vậy, cuộc sống này còn có gì khiến ta phải sợ hãi hay sân si nữa. Chẳng hạn như trong mối quan hệ giao thiệp giữa người với người, có kẻ ganh ghét với bạn, có kẻ đố kị bạn, có kẻ hại bạn. Nhưng với sự tự tại từ trong tâm của mình, bạn thấu hiểu và bao dung hết thảy, thì ai còn nỡ hại một người không quan tâm đến mình. Cách đối nhân xử thế, suy cho cùng cũng không thoát khỏi triết lý này. Bạn không bị ngoại cảnh chi phối, thì cuộc sống của mình sẽ tuyệt đối an nhiên.
Cuộc sống ngày nay, con người thường không ngừng đuổi theo tiền tài, sự nghiệp, danh vọng. Suy cho cùng cái gì cũng có giá của nó, đi kèm với những điều này là sự tự tại của bạn sẽ mất dần đi. Thử hỏi, nếu đạt được tất cả mà mất đi sự tự tại thì cuộc sống đó có gì đáng để an vui không? Đó là lý do mà nhiều người tiền bạc mấy đời tiêu không hết nhưng lại luôn sống trong phập phồng lo sợ; có tình yêu nhưng lại lo lắng vụ lợi; có danh vị chức tước nhưng suốt ngày phiền não. Lâu dần, bạn trở thành con rối của tất cả những điều này.
Cho nên, muốn thân tâm này tự tại, bạn nhất định phải ung dung trước mọi tác động của ngoại cảnh. Kiếm tiền nhưng không tham, nỗ lực nhưng không vì danh vị mà ngày đêm mất ngủ hại người trách mình. Cái gì đến ắt sẽ đến, chỉ cần sống bằng cái tâm chân thật của mình, cuộc đời này chưa bao giờ bạc đãi bạn.
Người chứng được sự tự tại, thường có thái độ sống vô cùng lạc quan. Họ cũng là đối tượng được nhiều người muốn kết thân, bởi vì sức mạnh của điều này sẽ lan tỏa trong một trường năng lượng tích cực, giúp những người khác cảm nhận rõ sự tự tại từ họ. Người sống ung dung tự tại cũng dễ dàng đạt được những viên mãn trong cuộc đời nhất, họ thấu suốt những “vô thường” mà cõi hồng trần này mang lại, đến và đi chẳng luyến lưu.
Tóm lại, kẻ càng ung dung tự tại thì nghịch cảnh có đến cũng mỉm cười đón nhận. Không gì có thể thay đổi hay làm họ u sầu. Điều này há chẳng phải tốt đẹp lắm sao. Cho nên, hãy tu theo hạnh ngộ của Quán Tự Tại Bồ Tát để đạt được thành tựu tự tại bạn nhé.
Tìm hiểu thêm: