Cõi Ta Bà là gì? Ngũ trược và Ý nghĩa của Ta Bà
Cõi Ta Bà được ví như “trạm dừng chân” của cuộc đời. Đây là nơi chúng ta phải học cách rũ bỏ những nghiệp quả đời trước để có thể đến được con đường giải thoát. Hiểu về Cõi Ta Bà và Bát khổ sẽ giúp con người tìm ra con đường tu tập để lạc quan, vững vàng hơn trước khó khăn. Mời quý Phật tử cùng Buddhist Art tìm hiểu về Cõi Ta Bà thông qua bài viết sau.
Cõi Ta Bà là gì?
Ta Bà theo âm dịch là Sa Ha hay Sách Ha, mang nghĩa là nhẫn. Cõi Ta Bà nghĩa là nhẫn giới, thế giới của sự chịu đựng. Đây là một thế giới mà ở nơi đó chúng sinh phải chịu đựng các loại phiền não, khổ đau, bệnh tật lẫn thử thách do những nghiệp quả từ các đời trước gây nên. Theo sử sách ghi chép lại, Đức Phật Thích Ca chính là giáo chủ của cõi Ta Bà, còn Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Cực Lạc hay cõi Tịnh Độ ở phía Tây.
Cõi Ta Bà thường được ví như một quán trọ, một trạm dừng chân. Bởi, nhân loại sống ở cõi này chỉ là tạm bợ, mọi thứ đều vô thường và không có thật. Chúng sinh cõi này chỉ là “người khách trọ” và mỗi kiếp sống chỉ là một lần “dừng chân”. Thế giới mà chúng ta đang sống cũng là một phần của Cõi Ta Bà. Ta Bà là một chu kỳ hiện hữu bao gồm sự lặp đi lặp lại, được chi phối bởi thứ gọi là “Nghiệp quả”. Sự sống, cái chết cứ thế tái sinh tùy theo nghiệp báo của từng kiếp sống.
Chúng sinh đến với thế giới này từ hai bàn tay trắng. Ra đi cũng sẽ ra đi cùng cát bụi và chẳng thể quyết định được cái chết của mình. Khi tồn tại chúng ta mưu cầu nhiều thứ, đặt nặng những tảng đá cơm áo gạo tiền, chẳng biết trôi dạt về đâu. Dù được sinh ra với vẻ ngoài xinh đẹp, kiếm được nhiều tiền hay khổ sở ốm đau thì khi nhắm mắt xuôi tay mọi thứ đều sẽ bị bỏ lại. Chính vì vậy, cõi chúng ta sống được gọi là không có thật.
Sau cùng, chỉ có nhất tâm tu hành giác ngộ thì chúng sinh mới thoát ly được cõi tạm bợ để đến được miền hạnh phúc vĩnh hằng, một trong số đó chính là cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
Ngũ trược ở cõi Ta Bà
Theo tiếng Hán, Ngũ trược ở cõi Ta Bà nghĩa là năm thứ ô uế, dơ bẩn. Đức Thế Tôn thường gọi cõi Ta Bà là cõi ác lụy, chứa đầy năm thứ trược. Song, Ngài vì lòng từ bi mà giáng thế và giáo hóa chúng. Thuyết giảng cho chúng sinh hiểu về cõi Tịnh Độ của Phật để họ có thể tu hành và vãng sanh về nơi đó. Ngũ trược ở cõi Ta Bà bao gồm:
Kiếp trược
Theo cái nhìn đạo Phật, cõi chúng ta ở gọi là cõi đời nhiễm ô, dễ bị ô nhiễm, dễ làm điều ô uế và chịu đựng những điều ô uế. Do đó, cõi này được gọi là kiếp trược (kiếp dơ bẩn). Vì đây là một thế giới dễ sản sinh ra những thứ độc hại, dơ bẩn, xấu xa nên mới tồn tại chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai,...
Cũng theo Từ điển Phật học, Kiếp trược nghĩa là vào thời Giảm kiếp, khi mà tuổi thọ con người giảm dần, thọ mạng chúng sanh giảm xuống còn 30 thì sẽ sanh ra nạn đói, giảm đến 20 tuổi thì sẽ có dịch bệnh hoành hành, đến 10 tuổi thì xảy ra nạn binh đao, tất cả chúng sanh đều bị tai hại, hết cái giảm kiếp. Cũng trong thời kỳ này, con người có đủ 4 thứ ố trược lần lượt là kiến trược, chúng sanh trược, mạng trược và phiền não trược.
Kiến trược
Kiến trược có nghĩa là nhìn thấy những sự ô uế, dơ bẩn, đây là thứ ố trược được lồng trong Kiếp trược. Kiến ở đây là nhìn thấy, nhưng cái thấy này là thấy bằng con mắt phàm phu xác thịt chứ không giống thấy bằng con mắt trí huệ của bậc giác ngộ. Cũng vì thấy bằng mắt phàm phu nên dễ sinh ra khổ não, tham sân si, vô minh.
Trong Từ điển Phật học có ghi chép về Kiến trược như sau: “khi chánh pháp đã diệt, tượng pháp xuất hiện, tà pháp chuyển sanh, tà kiến tăng trưởng mạnh và khiến cho mọi người không còn tu theo con đường lành nữa”.
Chúng sanh trược
Chúng Sanh Trược còn được gọi là Hữu Tình Trược, là một trong 4 ố trượttrược của Kiếp trược. Vì Cõi Ta Bà tồn tại đầy rẫy những thứ ô nhiễm, dơ bẩn nên chúng sanh khi tái sinh vào cõi Ta Bà đều sẽ mang thân và tâm ô uế, bị vấy bẩn. Thể hiện rõ nhất là người phàm phu tục tử thường mang nhiều tính xấu, dễ nảy sinh tâm ghen ghét, đố kị, tâm sân si, tham lam, bất hiếu, ái dục,... Chính những điều này đã làm cho đạo đức suy đồi nên mới gọi là chúng sanh trược.
Mạng trược
Mạng Trược hay còn có tên gọi khác là Thọ Trược. Theo đạo Bụt, thọ mạng của con người từ ngàn xưa kia vốn rất dài (80.000 tuổi) nhưng vì ác nghiệp nặng, nhiễm những cái xấu, tính tình ngày càng độc hại mà thọ mạng dần bị rút ngắn đi. Con người chỉ mải mê tìm kiếm những thứ khiến họ thỏa mãn về mặt vật chất, bỏ bê tu hành, trong cuộc sống tạo vô số ác nghiệp. Do đó mới có tên gọi là Mạng trược (thọ mạng dơ bẩn).
Phiền não trược
Phiền não, khổ đau vốn được sinh ra do tâm con người không giữ được sự thanh tịnh và trong sạch. Tâm con người nhiễm quá nhiều những thói hư tật xấu, tham sân si, ái dục, thậm chí là cả tâm mưu hại người khác. Chính vì vậy, bản chất của những phiền não trên cõi đời này đều là dơ bẩn nên gọi là Phiền não trược. Trong ngũ trược, Kiếp trược chứa đầy đủ bốn trược sau, do đó bốn trược sau có thể hợp hành Kiếp trược.
Ý nghĩa của Ta Bà
Như đã đề cập ở trên, Cõi Ta Bà chỉ là một ý niệm về thế giới dưới cái nhìn của Phật Giáo. Ta Bà không chỉ là thế giới của chúng ta đang sinh sống mà nó còn là tất cả mọi người, mọi loài sinh vật, và tất cả mọi thứ trên thế giới này, bao gồm cả ba nghìn đại thiên thế giới, trong giới hạn hóa độ của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Ý nghĩa của Ta Bà chính là thế giới của sự khổ đau, tạp nhiễm và bất tịnh. Đây là một thế giới của sự vô thường, không một thứ gì là tồn tại vĩnh hằng .Nếu chúng sinh muốn hóa giải những khổ đau, phiền não trong cõi sống tạm bợ này thì nên cố gắng tu tập, ngày ngày hướng thiện để được vào cõi Cực Lạc, được siêu thoát và an yên hơn.
Bát khổ hay 8 nỗi khổ đau ở cõi Ta Bà
Từ xưa đến nay, theo quan niệm của đạo Phật, “đời là bể khổ”. Đời, theo lời Đức Phật chính là kiếp sống tại cõi Ta Bà. Và trong cõi này sẽ luôn tồn tại tám nỗi đau khổ của nhân sinh (Bát Khổ). Khi nhận thức được hết những nỗi khổ này, chúng sinh sẽ tìm thấy kim chỉ nam của cuộc đời mình, từ đó tìm được hướng đi, cách giải thoát khỏi nó. Bát khổ hay 8 nỗi khổ đau ở cõi Ta Bà bao gồm:
Sinh khổ
Khởi nguồn của sự sống, con người hứng chịu nỗi khổ đầu tiên của cuộc đời gọi là Sinh khổ. Chúng sinh ở thế giới này sinh ra đều sẽ khiến cho người mẹ của mình chịu đau đớn. Nỗi đau khi sinh thành một mầm sống của người mẹ đã được các nhà khoa học so sánh như nỗi đau của việc gãy nhiều đốt xương sườn cùng một lúc. Chẳng có từ nào có thể diễn tả được hết nỗi đau ấy.
Chính vì vậy, trước đây người Trung Quốc thường gọi ngày “Sinh Nhật” chính là “Mẫu Nan Nhật”. “Mẫu” ở đây chỉ người mẹ, “Nan” nghĩa là khó còn “Nhật” nghĩa là ngày. Nghĩa là, ngày sinh nhật của đứa con chính là ngày mà người mẹ phải chịu cái khổ, cái đau đớn của cuộc đời. Chính vì vậy mà mới hình thành “Sinh khổ”. Nỗi khổ này chính là để mỗi người chúng ta nhớ đến công ơn sinh thành của người mẹ.
Lão khổ
Sinh ra trên cõi đời này, ai cũng không thể tránh khỏi quy luật bất di bất dịch của cuộc đời “thành - trụ - hoại - diệt”. Nghĩa là đã sinh ra thì ắt phải già yếu và chết đi. Sống trên cuộc đời này, con người sẽ phải chịu sự tác động của rất nhiều thứ xung quanh như hoàn cảnh, môi trường, con người,... Và cứ thế mà ta dần trở nên già đi.
Khi về già, đối diện với cái “lão” chúng ta sẽ thấy xuất hiện nếp nhăn, tóc bạc, chân tay run, mắt mờ, gối mỏi,... Ta trở nên khổ cực hơn vì không còn sức khỏe, nhan sắc, không tràn trề sinh lực, xuất hiện nhiều phiền muộn, khổ não.
Tuy nhiên, cùng là già đi nhưng nhiều người lại có suy nghĩ an nhiên, tự tại, không giữ các mối phiền lo trong lòng, họ trẻ lâu hơn những người mang nhiều tâm sự. Chính vì vậy, con người nên dựa vào ấy mà sống thoải mái, lạc quan, học cách bỏ qua muộn phiền để giảm bớt “Lão khổ”.
Bệnh Khổ
Đã sinh ra và tồn tại ở trên cõi Ta Bà này thì có ai mà chưa từng mắc bệnh, chỉ khác là nặng nhẹ khác nhau mà thôi. Phật giáo chia bệnh thành 3 loại: thân bệnh, tâm bệnh và nghiệp bệnh.
Thân bệnh là loại bệnh được sinh ra trên thân thể, từ nhẹ nhất là trầy xước cho đến bệnh hiểm nghèo như ung thư, bại não,...Tâm bệnh là những bệnh về tâm lý. Không chỉ người bị tâm thần mới mắc tâm bệnh. Xã hội phát triển kéo theo nhiều hệ lụy, con người ngày một áp lực hơn, họ dễ stress, mệt mỏi, thậm chí có người còn bị trầm cảm. Đây chính là tâm bệnh mà chúng ta phải chịu.
Bên cạnh 2 loại bệnh trên, Đạo Phật còn có Nghiệp bệnh. Loại bệnh này sẽ chẳng bác sĩ nào chữa khỏi, loại bệnh này hình thành từ những thiện ác kiếp trước. Là bệnh do nghiệp từ đời trước tạo ra.
Tử khổ
Đã có sinh thì hiển nhiên sẽ có tử. Cuộc đời này công bằng tuyệt đối ở hai điều, ai cũng có 24 giờ như nhau và ai cũng sẽ phải chết. Không ai đảm bảo được thọ mạng của mình sẽ kéo dài đến bao giờ và mình sẽ sống được bao lâu. Dù lúc sinh thời giàu có bao nhiêu, của cải dư dả như thế nào thì lúc mất đi vẫn là hai bàn tay trắng, không thể mang theo bất cứ thứ gì.
Cầu bất đắc khổ
Là con người, ai cũng mong trong mình nhiều mong cầu. Người nghèo thì muốn giàu sang phú quý, kẻ xấu xí thì mong được xinh đẹp, người thấp hèn cầu danh vọng, kẻ bệnh tật lại cầu khỏe mạnh, tráng kiện,... Và khi những mong muốn này không được toại ý thì sẽ trở thành một nỗi khổ của con người.
Ái biệt ly khổ
Trong tiếng Hán, “Ái” mang nghĩa là yêu, “Ái biệt ly khổ” là nỗi khổ khi phải rời xa những người, những thứ mà mình yêu thích. Không chỉ con người, “Ái biệt ly khổ” còn là nỗi khổ chia xa với động vật, đồ vật nào đó mà mình yêu thương.
Ái biệt ly khổ được chia làm 2 loại:
- Khổ sinh ly: đây là nỗi khổ dễ thấy nhất trong thời kỳ chiến tranh. Như ở Việt Nam ta giai đoạn ấy, bao thanh niên phải rời xa gia đình, người thân để xông pha chiến trường bảo vệ Tổ quốc. Người đi buồn khổ, kẻ ở nhớ thương, đây chính là khổ sinh ly.
- Khổ tử biệt: còn đau khổ hơn cả sinh ly chính là tử biệt. Ít ra sinh ly thì chúng ta vẫn biết được rằng người kia vẫn còn sống, chỉ là chúng ta không còn được ở cạnh nhau. Nhưng tử biệt là âm dương cách biệt, muốn gặp lại cũng chẳng còn cơ hội.
Oán tắng hội khổ
Trái ngược với “Ái ly biệt khổ”, “Oán tắng hội khổ” lại là nỗi khổ khi thường gặp phải những người mà mình ghét, làm những việc mình không thích hay sử dụng những món mình không ưa.
Vì sự khó chịu ấy, tâm tướng con người sẽ bị ức chế, gây khổ đau cho chính bản thân. Do đó, Đạo Phật luôn khuyên con người không nên sinh lòng sân hận, không khinh ghét ai, không thương được thì thôi chứ cũng đừng ghét, chỉ khổ thân ta chứ chẳng ích lợi gì.
Ngũ ấm thạnh khổ
Tuy Ngũ ấm thạnh khổ là một trong bát khổ nhưng nỗi khổ này lại bao hàm tất cả 7 loại khổ đã nêu trên. Phật dạy rằng, thân thể con người được tạo nên từ Ngũ ấm (ngũ uẩn). Chúng hòa hợp với nhau để tạo nên một bản thể hoàn chỉnh. Ngũ ấm thạnh, thiếu hòa hợp sẽ khiến con người gặp phải khổ đau, phiền não.
Ngũ ấm thạnh bao gồm:
- Sắc ấm: tức là ngoại hình của con người, là thân thể vật chất tạo nên sự sống của con người. Sắc ấm được tập hợp bởi bốn yếu tố Đất, Nước, Gió, Lửa, Nếu con người quá để tâm đến diện mạo (sắc ấm), chẳng hạn bản thân quá mập, quá lùn,... thì ắt hẳn sẽ sinh ra khổ não.
- Thọ ấm: là các loại cảm xúc của con người như vui, buồn, yêu, ghét, tức giận, đố kỵ, tham lam,... Nếu con người bị những cảm xúc này lấn áp, chi phối quá đà sẽ sinh ra buồn khổ.
- Tưởng ấm: tức là những gì xuất hiện trong tâm của con người mà họ không thể nhìn thấy được. Tâm chứa rất nhiều chấp niệm, dục vọng, mong cầu,...không buông sẽ khiến con người mãi đau khổ mà chẳng thể thoát được.
- Hành ấm: ở đây chỉ ý chí, nghị lực của con người. Hành ấm là những gì xuất phát từ tính tình cũng như ý chí và nghị lực con người. Người bình sinh thích bày mưu tính kế, hành động thái quá, rắp tâm hãm hại người khác thì khó mà có được cuộc sống an nhàn. Họ sẽ luôn sống mãi trong trạng thái lo sợ người khác làm hại ngược lại mình. Vì thế mà cứ mãi khổ đau.
- Thức ấm: là những gì liên quan đến nhận thức, thần thức của con người. Phật đã từng dạy rằng, biết quá nhiều cũng là một loại khổ, một loại gánh nặng. Đôi khi trong cuộc sống này, không biết gì lại có lợi hơn là biết.
Trên đây là tất cả những gì liên quan đến Cõi Ta Bà, Ngũ Trược và Bát Khổ tại Cõi Ta Bà. Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp sẽ hữu ích đối với Quý Phật tử.
Tham khảo thêm các bài viết: